Cơ hội nghề nghiệp
Ngành du lịch gồm những ngành nào?
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 song Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á giai đoạn cuối năm 2020. Dự báo, sau khi kiểm soát được bệnh dịch thì ngành Du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và đạt được nhiều thành tích lớn. Theo đó, cơ hội đối với những sinh viên ngành Du lịch cũng rộng mở hơn rất nhiều. Hãy cùng theo dõi ngành Du lịch gồm những ngành nào để hiểu hơn về cơ hội nghề nghiệp của ngành này nhé.
Quản lý du lịch
Không giống như công việc của hướng dẫn viên du lịch; người làm quản lý du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng với các báo cáo, đề án, hồ sơ… Bên cạnh đó họ cũng chịu trách nhiệm trong việc gặp gỡ đối tác, tham dự hội thảo, tham gia các đợt quảng bá du lịch, đến nhiều nơi để tham quan, khảo sát, học hỏi, áp dụng kiến thức cho doanh nghiệp mình.
Do đó; những nhà quản lý du lịch thường có mối quan hệ rộng, am hiểu và có kỹ năng giao tiếp tốt. Có thể nói đây là công việc của những người có năng lực quản lý và hiểu biết sâu rộng về du lịch.
Điều hành du lịch
Công việc chính của người làm điều hành du lịch là phân công việc cho các hướng dẫn viên; tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách; những vấn đề phát sinh trong tour để phối hợp với các bộ phận và cơ quan chức năng giải quyết; đồng thời nhận và giải quyết những khiếu nại của khách sau khi tour kết thúc.
Bên cạnh đó họ còn có nhiệm vụ điều phối những người điều khiển phương tiện đưa đón và phục vụ khách.
Nhân viên Marketing du lịch
Nhân viên marketing du lịch là những người đảm nhận công việc nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách cũng như những gì doanh nghiệp mình đã làm và cần làm để có hướng phát triển phù hợp; vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn.
Ngoài ra, họ cũng tiến hành các nghiên cứu thị trường khác theo yêu cầu của nhà quản lý; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng chương trình quảng bá cho từng sản phẩm du lịch với các mức giá cả, chất lượng để khách hàng dễ tiếp cận và chọn lựa.
Hướng dẫn viên du lịch
Đây chắc chắn không còn là công việc quán xa lạ đối với các bạn sinh viên đang tìm kiếm ngành Du lịch gồm những nghề gì. Nhiệm vụ chính của một hướng dẫn viên du lịch là đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động du lịch theo yêu cầu, giới thiệu (hoặc liên hệ với người giới thiệu) tại các điểm du lịch, quản lý việc ăn, nghỉ, đi lại và đảm bảo sự an toàn cho khách trong suốt chuyến đi, trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc báo về trung tâm để được hướng dẫn…
Một người hướng dẫn viên du lịch không cần ngoại hình quá xuất sắc, quan trọng nhất vẫn là kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu biết sâu rộng, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề tốt, sức khỏe dẻo dai và tâm lý ổn định.
Nhân viên lễ tân
Khi theo học ngành Du lịch bạn còn có thể thử sức bản thân ở vị trí nhân viên lễ tân. Công việc chính của nhân viên lễ tân là nhận điện thoại, trả lời các thông tin liên quan đến doanh nghiệp mình, tiếp đón khách, nhận thông tin về yêu cầu của khách, nhận và ký gửi đồ, thanh toán… Những công việc này đều yêu cầu nghiệp vụ và hành vi ứng xử theo các nguyên tắc giao tiếp quốc tế nhất định và phù hợp.
Không giống như công việc hướng dẫn viên du lịch; nhân viên lễ tân thường yêu cầu ngoại hình ưa nhìn; thêm vào đó là sự nhanh nhạy, nghe hiểu đúng thông tin từ khách, giao tiếp chính xác, rõ ràng, khéo léo, và đặc biệt là phải biết ít nhất một ngoại ngữ để đón tiếp khách nước ngoài.
Ngoài những công việc đã được liệt kê ở trên, ngành Du lịch vẫn còn rất nhiều nghề để bạn có thể khám phá và thử sức bản thân. Càng có nhiều kinh nghiệm ở nhiều vị trí trong ngành Du lịch, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của ngành này lại càng cao. Chúc bạn thực hiện được mơ ước của bản thân.
Pingback: Các loại hình ngành Du lịch kinh doanh | Ngành Du lịch
Pingback: Sinh viên ngành Quản trị Sự kiện & Giải trí | Ngành Du lịch