Phân biệt ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn

Nhóm ngành Du lịch luôn thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn. Tuy nhiên nên lựa chọn học ngành nào trong hai ngành này lại là điều mà nhiều bạn cần phải cân nhắc kỹ. Vậy giữa hai ngành học này có sự khác nhau như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn.

Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn
Phân biệt ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn

Điểm giống nhau

Quản trị Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn đều thiên về nhóm ngành Du lịch, dịch vụ khách hàng, cụ thể như:

  • Người làm Quản trị Khách sạn có thể đảm nhiệm các công việc hướng dẫn du lịch ở khu vực vùng miền nơi làm việc cho các đoàn du lịch. Ngược lại những người làm công việc quản trị du lịch cũng có thể phụ trách các công việc như lễ tân, nhân viên buồng phòng…
  • Cả hai ngành đều sẽ được trang bị các kỹ năng mềm tương tự nhau, đều sẽ cần phải có sự khéo léo khi giao tiếp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
  • Dù đảm nhiệm công việc nào thì cũng có thể thăng tiến đến vị trí quản lý cao hơn.
  • Cơ hội làm việc cao, được tiếp xúc với người nước ngoài nên cần kỹ năng ngoại ngữ tốt.
  • Hai ngành này có liên quan chặt chẽ với nhau vì cùng nằm trong nhóm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
  • Tuy là hai ngành tách biệt, nhưng vẫn có thể làm việc tại cùng một nơi như: khách sạn, nhà hàng, khu resort, khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành, du lịch…

Ngoài những nét tương đồng, sự khác nhau của ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn cũng được thể hiện khá rõ nét.

Điểm khác nhau

Để nhận biết rõ ràng sự khác biệt của hai nhóm ngành, có thể thông qua những điểm sau:

Về tính chất công việc

Đối với ngành Quản trị Du lịch Lữ hành luôn hướng đến các hoạt động ngoài trời, làm sao cho khách hàng có những chuyến đi, trải nghiệm tốt nhất khi du lịch như: Thiết kế tour, phương tiện di chuyển, an toàn cho từng khách hàng khi đi du lịch… Còn đối với ngành quản trị nhà hàng khách sạn thì thiên về chăm sóc cho khách hàng về dịch vụ ăn uống sau những chuyến đi tham quan ngoài trời.

Về chương trình học

Trong quá trình học tập tại các trường, sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, sinh viên sẽ học về:

  • Địa lý du lịch, văn hóa, tâm lý và tập quán của du khách trong và ngoài nước
  • Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, thiết kế và quản lý sự kiện du lịch
  • Văn hóa tổ chức, kinh tế du lịch, marketing du lịch…
  • Giao tiếp và lễ tân ngoại giao, PR và truyền thông cho sự kiện…
sự khác nhau của ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn
Ngoài những nét tương đồng, sự khác nhau của ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn cũng được thể hiện khá rõ nét

Còn chọn Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, sinh viên sẽ học về:

  • Nghiệp vụ lễ tân: Check in, check out, tư vấn bán phòng, thanh toán ngoại tệ, hướng dẫn khách về phòng, vận chuyển hành lý, giới thiệu địa điểm du lịch – ăn uống…
  • Nghiệp vụ nhà hàng: Ghi nhận order, bưng bê thức ăn, phục vụ rượu vang, bài trí bàn tiệc Âu – Á, tư vấn thực đơn…
  • Nghiệp vụ buồng phòng: Trang trí phòng ngủ theo nhiều chủ đề, trải drap giường, sử dụng hóa chất tẩy rửa, vệ sinh màn cửa…
  • Kiến thức quản lý: Chiến lược marketing, phương pháp định giá phòng, món ăn và các dịch vụ khác liên quan, quản trị nhân sự…
  • Kỹ năng mềm: Kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng, nắm bắt tâm lý khách hàng, giải quyết thắc mắc và xử lý tình huống than phiền của khách…

Về cơ hội việc làm khi ra trường

Khi tốt nghiệp ngành Quản trị Lữ hành, bạn hoàn toàn có thể đảm nhiệm công việc của một hướng dẫn viên du lịch, thực hiện nghiên cứu, xây dựng các chương trình du lịch cùng sự kiện vui chơi tham quan. Bên cạnh đó, còn có thể tổ chức và bán các sản phẩm du lịch, trở thành chuyên viên tại các cơ sở du lịch hay giảng dạy tại các cơ sở đào tạo với chuyên ngành liên quan, hoặc tự điều hành, quản lý doanh nghiệp lữ hành riêng.

Đối với ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, bạn có thể làm việc tại các vị trí lễ tân, phục vụ nhà hàng, nhân viên tổng đài… hoặc nếu có điều kiện thì có thể kinh doanh nhà hàng hoặc khách sạn riêng.

so sánh của ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn
Trên đây là một vài so sánh của ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn

Với những nội dung về việc so sánh ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Khách sạn ở trên; mong rằng các bạn đã hiểu hơn về 2 ngành học và có sự phân biệt nhất định để tránh sự nhầm lẫn khi lựa chọn ngành nghề. Chúc các bạn thành công với lựa chọn của bản thân!