Vấn nạn chèo kéo khách du lịch

Tình trạng những người bán hàng rong cứ “lẽo đẽo” đi theo, nài nỉ, “ép” mua hàng và chặt chém giá là một trong những nguyên nhân khiến cho khách du lịch sợ hãi, nhất đối là với khách nước ngoài… ngại quay trở lại Việt Nam.

Tình trạng chèo kéo khách du lịch (1)

Hành vi chèo kéo khách có ở khắp mọi nơi

Khi đi du lịch, dù là đến bất kỳ đâu chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong đi theo nài nỉ du khách mua hàng. Từ đi dạo trong công viên, ăn uống ở các quán xá cũng có người đến mời chào mua kẹo cao su, kẹo mút, bấm móng tay, móc chìa khóa, vé số… Đi chùa thì nải nỉ mua hương thắp, mua vòng vèo, quạt giấy, đồ lưu niệm,…

Những người bán hàng rong cũng đủ mọi lứa tuổi, từ những em nhỏ 5-6 tuổi, những cụ già râu tóc bạc phơ, thanh niên trai tráng đến những người khuyết tật. Trong một nhóm du khách, nếu người này lắc đầu thì người bán lại đến chèo kéo hết người này đến người khác trong nhóm khách. Nếu khách không mua thì nhận được những thái độ và lời nói khó nghe khiến cho du khách cũng cảm thấy bực bội khó chịu vì chuyến du lịch của mình bỗng nhiên bị… phá đám bởi những “vị khách không mời”.

Không chỉ có chèo kéo mới khiến khách du lịch ái ngại mà ngay cả những màn chặt chém giá “trên trời” cũng khiến du khách phải lắc đầu ngán ngẩm. Đã từng có rất nhiều bài báo đăng tin quán này, nhà hàng kia, khách sạn nọ,… đã bị khách tố vì những bữa ăn hay dịch vụ với giá cả “cắt cổ”.

Quan ngại hơn nữa là tình trạng “xin xỏ”, nhiều người bán hàng rong khi nài nỉ du khách mua không được thì quay sang xin tiền khách, hoặc xấu hơn là hình ảnh những người ăn xin ở chùa, ở các địa điểm du lịch,… Những hình ảnh đó đã dần khiến cho hình ảnh của Việt Nam trở nên xấu hơn trong mắt bạn bè quốc tế và nhiều người khi nhắc đến du lịch Việt Nam đã phải lắc đầu từ chối.

Tình trạng chèo kéo khách du lịch (2)

Cần nghiêm khắc hơn

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc rất nhiều lần, đã có những hình thức xử lý vi phạm đối với hành vi chèo kéo khách, bán phá giá,.. nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ, chưa triệt để bởi tình trạng đó vẫn kéo dài bao nhiêu năm nay. Vẫn biết là nếu làm quá “mạnh tay” sẽ ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của người lao động nhưng nếu để tình trạng này kéo dài thì có lẽ không chỉ ngành Du lịch nước ta ngay càng đi xuống mà lúc đó “kinh tế” của người dân còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Thế nên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn, cần tuyên truyền cho người dân, người bán hàng rong có ý thức bán hàng “văn minh, lịch sự” hơn. Điều đó sẽ khiến cả người bán lẫn du khách mua hàng vui vẻ, hài lòng và hình ảnh về du lịch Việt Nam sẽ ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế.