Kiến thức kỹ năng
Sinh viên ngành Du lịch nên biết những điều này!
Ngành Du lịch – một trong top những ngành có xu hướng phát triển nhất hiện nay. Khi học ngành Du lịch bạn sẽ có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất mới, khám phá nhiều nền văn hóa, môi trường làm việc năng động… Nếu muốn trở thành sinh viên ngành Du lịch bạn nên biết những điều này.
Nhu cầu nhân lực ngành Du lịch hiện nay
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch; mỗi năm ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên; học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cho biết du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực và bày tỏ lo ngại nếu không nhanh chóng cải thiện, nhân sự sẽ trở thành nút thắt lớn của ngành Du lịch trong quá trình phát triển sắp tới.
Tố chất cần thiết cho người học du lịch
Để có thể tiến xa hơn trong lĩnh vực Du lịch bạn cần có những tố chất sau:
+ Bạn là người hài hước: Với đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, đối tác… đòi hỏi bạn phải biết rút ngắn khoảng cách giữa bản thân với mọi người xung quanh. Hài hước cũng là một yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh dễ mến và thân thiện trong mắt của mọi người. Giúp bản thân trở nên tự tin hơn trong công việc.
+ Bạn là người nhạy cảm: Hằng ngày bạn phải đối mặt với nhiều khách hàng cũng như gặp nhiều tình huống khác nhau. Vì vậy, bạn phải là người tâm lý, biết lắng nghe, biết chia sẻ để tạo sự thoải mái cho khách hàng.
+ Bạn là người biết tuốt: trong mỗi chuyến du lịch, bạn là người đại diện để giới thiệu những điều hay, cảnh đẹp, truyền cảm hứng tươi mới đến với khách hàng. Vì thế việc trang bị kho tàng kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý, con người… của từng địa phương là điều vô cùng cần thiết.
+ Bạn là người khỏe mạnh: Một lúc nào đó bạn chợt nhận ra mùi tàu xe không còn là nỗi ảm ảnh của bạn nữa, hoặc bạn luôn sẵn sàng sức khỏe cho các chuyến đi liên tiếp thì khi đó bạn thực sự có một sức khỏe tốt để theo đuổi ngành nghề thú vị này.
Học ngành Du lịch ra trường làm việc gì?
Nhắc đến ngành Du lịch có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến cụm từ Hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên xét trên góc độ doanh nghiệp, du lịch bao gồm rất nhiều khâu và mỗi khâu lại đảm nhận những công việc hoàn toàn khác nhau, trong đó Hướng dẫn viên du lịch chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số các công việc có thể làm tại ngành này. Một số công việc ngành Du lịch mà bạn có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp:
Quản lý du lịch
Nếu hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi bạn phải thường xuyên di chuyển thì người làm quản lý du lịch chủ yếu làm việc tại văn phòng với các báo cáo, đề án, hồ sơ… Bên cạnh đó, họ cũng chịu trách nhiệm trong việc gặp gỡ đối tác, tham dự hội thảo, tham gia các đợt quảng bá du lịch, đến nhiều nơi để tham quan, khảo sát, học hỏi áp dụng kiến thức cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy những nhà quản lý du lịch thường có mối quan hệ rộng, am hiểu và có kỹ năng giao tiếp tốt.
Mặc dù đây không phải công việc mà sinh viên mới ra trường, ít kinh nghiệm có thể làm ngay nhưng đây sẽ là mục tiêu cho các bạn phấn đấu.
Nhân viên marketing du lịch
Đây được xem là công việc cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo, thích sự đổi mới. Với vị trí này bạn sẽ đảm nhận công việc nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng cũng như những gì doanh nghiệp mình đã làm và cần làm để đề xuất hướng phát triển phù hợp, vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn. Để thực hiện tốt công việc này, đòi hỏi bạn phải di chuyển thường xuyên để giao dịch với khách hàng, đối tác, tìm hiểu xu hướng thị trường.
Điều hành du lịch
Nhiệm vụ chính của người điều hành du lịch là phân công việc cho các hướng dẫn viên, tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách, những vấn đề phát sinh trong tour để phối hợp với các bộ phận và cơ quan chức năng giải quyết, đồng thời nhận và giải quyết những khiếu nại của khách sau khi tour kết thúc.
Mặc dù người điều hành du lịch chủ yếu làm việc tại văn phòng, tuy nhiên họ phải chịu áp lực khá lớn với lượng thông tin khổng lồ đến từ các tour, đặc biệt là mùa cao điểm du lịch.
Từ những chia sẻ trên; chúng tôi tin rằng các bạn đã có thêm nhiều sự hiểu biết đối với ngành học “hot” này. Nếu bạn cũng đang yêu thích và muốn trở thành sinh viên ngành Du lịch thì bài viết này chính là dành cho bạn. Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của bản thân nhé!