Tin tức Du lịch
Khám phá thác Grăng
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một con thác đẹp không ai biết đến. Ở dòng suối dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá Grăng (cá chiên). Cứ 10 mùa rẫy một lần, những con cá Grăng đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua 3 tầng thác nơi đây để hóa thành cá thiêng. Năm ấy, đến mùa vượt thác nhưng gặp cơn lũ trái mùa dai dẳng cả tháng trời khiến dòng thác trở nên hung dữ lạ kỳ.
Những con Grăng đầu đàn dù đã vắt cạn sức lực vẫn không thể nào vượt qua thác dữ. Chúng chết, xác cá grăng trôi đầy trên suối. Từ đó, dân làng gọi tên thác này là thác Grăng.
Đường lên thác Grăng
Khám phá
Leo qua con dốc dài khoảng 300m, thác Grang hiện ra với nét hoang sơ độc đáo giữa núi non điệp trùng. Thác Grăng thuộc thôn Pàxua, xã Tabhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Tính từ ngã 3 bến Giằng vào đến thác khoảng 10km. Đây là một cụm thác ba tầng nên được gọi là tam thác. Đẹp nhất có lẽ là thác thứ ba với độ cao hơn 30m, với bụi nước mịt mù trên những vách đá bám rêu và cũng là nơi du khách dừng chân tham quan nhiều nhất.
Tuy nhiên, nếu bạn là người thích khám phá và mạo hiểm một chút thì có thể men theo đường mòn ngược lên sườn dốc đứng để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cả con thác. Cả ba tầng thác gợi lên vẻ đẹp nguyên sơ như một nàng sơn nữ giữa rừng hoang với những con thác trải dài như những dải lụa mềm vắt ngang lưng chừng núi.
Vẻ đẹp huyền bí của thác Grăng
Trên chặng đường khám phá “tam thác” Grăng, du khách còn có dịp tham quan làng dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ-tu ở làng Za Ra; thăm làng Rô, nơi nuôi dưỡng, chở che nhà thơ Tố Hữu và nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ trên đường vượt ngục Đăklei; thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh;…
Vào dịp làng Cơ-tu tổ chức lễ mừng lúa mới, du khách sẽ được hòa vào không khí rộn ràng của hội cồng chiêng với vũ điệu tung tung – da dá và thưởng thức các món lam (thức ăn nấu trong ống nứa), uống rượu tà vạt, một loại đặc sản của núi rừng Nam Giang.