Cơ hội nghề nghiệp
Triển vọng ngành Quản trị Khách sạn
Những năm gần đây, nước ta có sự tăng trưởng vượt bậc ở một số lĩnh vực, trong đó đặc biệt là Du lịch và Dịch vụ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách Quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 ước đạt 14.488.843 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Để đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn khách du lịch, trong thực tế, nhiều nhà hàng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở nước ta đã và đang được xây dựng. Việt Nam là cái tên vô cùng hấp dẫn, thu hút rất nhiều các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới đến đầu tư như: Marriott, Accor, Hilton, Hyatt,… Tại những điểm đến lớn như: Hà Nội, Sapa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc,… số lượng khách sạn, resort, nhà hàng được xây dựng ngày càng nhiều. Tính đến cuối năm 2018 thì tổng có 15.626 cơ sở lưu trú du lịch tại nước ta (theo thống kê của Tổng cục Du lịch). Với sự phát triển của du lịch cùng những con số khủng về số lượng khách sạn hiện có, phần nào giúp chúng ta thấy rõ cơ hội việc làm đối với những người làm việc trong môi trường nhà hàng, khách sạn đặc biệt là Quản trị Khách sạn.
Quản trị khách sạn là một trong những ngành “công nghiệp không khói” mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời trở thành xu hướng lựa chọn ngành nghề của nhiều người ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai. Theo TS. Hank Duyverman, nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành này lên tới 40.000 nhân viên mỗi năm, nhưng các trường chỉ mới cung ứng 15.000 lao động. Trong đó, sinh viên có trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên chỉ chiểm 12%.
Với kiến thức chuyên môn vững vàng cùng vốn ngoại ngữ thông thạo, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn có nhiều cơ hội làm việc ở trong nước và quốc tế. Sinh viên sau khi ra trường sẽ có thể làm việc tại:
– Các khách sạn, resort, khu du lịch, nghỉ dưỡng
– Các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành trên cả nước
– Các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông về du lịch
– Khu vui chơi, giải trí
– Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề có đào tạo Quản trị khách sạn,…
– Bộ phận du lịch các sở, ban, ngành.
Tuy nhiên, điều bạn cần biết là học Quản trị khách sạn ra không đồng nghĩa với việc có thể đảm nhiệm ngay các vị trí quản lý trong khách sạn. Bạn sẽ bắt đầu với những vị trí công việc như: nhân viên lễ tân, nhân viên đặt phòng, nhân viên phục vụ nhà hàng,… Làm việc trong khách sạn, đặc biệt là những khách sạn cao cấp, nhân viên lễ tân, phục vụ… sẽ nhận được mức lương cứng từ 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng, thêm vào đó còn có khoản tiền tip trực tiếp từ khách và service charge chia từ phí phục vụ. Vào mùa cao điểm, một nhân viên làm việc trong khách sạn 4 – 5 sao có thể thu nhập 8 – 10 triệu đồng/tháng.
Khi dần hội tụ những “yếu tố cần” về mặt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cộng với “yếu tố đủ” là 1 tấm bằng chuyên môn, bạn sẽ được thăng tiến lên những vị trí cao hơn trong nghề. Và đi cùng với đó là sự tỷ lệ thuận về thu nhập và chế độ được hưởng.