Tin tức Du lịch
Vai trò ngành Du lịch
Cùng với đà tăng trưởng nhanh chóng và những kết quả đạt được, tầm quan trọng của sự phát triển bền vững ngành du lịch được ghi nhận là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như các lợi ích trong tương lai. Từ đó cần có nhận định đúng đắn về vai trò ngành Du lịch.
Về mặt Kinh tế
Ở nhiều Quốc gia, ngành Du lịch đóng góp một phần đáng kể trong tổng thu nhập hàng năm, đặc biệt tại Việt Nam du lịch được đánh giá là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn được nhà nước chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng và ngành du lịch cũng không ngừng phát triển, đóng góp rất lớn và nền kinh tế đất nước.
Du lịch phát triển cũng góp phần hỗ trợ các ngành giao thông vật tại, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi. Ngoài ra ngành du lịch phát triển còn mang lại thị trường tiêu thụ văn hóa rộng lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh tổng sản phẩm kinh tế quốc dân.
Các lợi ích kinh tế mang lại từ du lịch là điều không thể phủ nhận, thông qua việc tham quan, tiêu dùng và mua bán các sản phẩm du lịch. Sự phát triển của du lịch đã tác động tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã thu hàng tỷ USD mỗi năm thông qua phát triển ngành Du lịch. Du khách quốc tế mang ngoại tệ vào sử dụng tại bất kỳ địa điểm hay dịch vụ du lịch nào, đều làm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ của đất nước đó.
Du lịch phát triển cũng tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển, vì sản phẩm du lịch mang tính liên ngành có quan bệ đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Khi một khu vực nào đó trở thành điểm du lịch, du khách ở mọi nơi đổ về sẽ làm cho nhu cầu về hàng hoá dịch vụ tăng lên đáng kể.
Tính hiệu quả trong kinh doanh du lịch được thể hiện ở chỗ, du lịch là một mặt hàng “xuất khẩu tại chỗ”. Những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo giá bán lẻ cao hơn do người bán sẽ không tốn kém nhiều chi phí giao hàng, vận chuyển, bảo hiểm, thuế xuất nhập khẩu, có khả năng thu hồi vốn nhanh và lãi cao do nhu cầu du lịch là nhu cầu cao cấp cần khả năng thanh toán.
Về mặt xã hội
Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, ngành du lịch còn giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, bởi các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch đều cần một lượng lớn lao động. Với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch thu hút sự tham gia của đông đảo lực lượng lao động ở nhiều độ tuổi, đem đến công việc trực tiếp cho hàng ngàn lao động, từ các dịch vụ lưu trú như cho thuê nhà nghỉ, khách sạn, resort, khu du lịch, bãi tắm.
Đó là các lao động như quản lý khách sạn, lễ tân, phục vụ bàn, dọn phòng, phiên dịch, đầu bếp,… đến các lao động vệ sinh môi trường bãi biển, tạo dáng cây cảnh, chăm sóc khuôn viên sân vườn, bảo vệ khu du lịch, bán vé hay lực lượng ứng cứu trên biến.
Du lịch phát triển kích thích khôi phục và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương – nơi có các khu du lịch phát triển. Các bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo đó được khẳng định trong niềm tự hào đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội, làng nghề ở người dân nơi đó.
Ở chiều tương tác ngược lại, các lễ hội, làng nghề truyền thống hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành Du lịch, góp phần làm cho bức tranh du lịch của nước ta thêm phong phú mang đến sự đa dạng cho sự lựa chọn của du khách.
Theo đó, ta thấy được sự vận động và phát triển của ngành Du lịch đối với sự phát triển các mặt kinh tế – xã hội của nước ta là rất lớn. Trong tình hình Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang dần quay lại quỹ đạo cũ sau sự hoành hành của đại dịch Covid; đối tượng được tập trung đẩy mạnh nhất chính là du lịch. Với tầm quan trong to lớn này, ngành Du lịch thực sự là chuyên ngành quan trọng đối với mọi mặt của đời sống.