Ngành Du lịch có vai trò như thế nào?

Quốc gia nào đang có nền kinh tế mạnh nhất? Tính đến năm 2018, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí số 1, là nước mạnh nhất trên toàn cầu, theo sau là Trung Quốc và kế đến là Nhật Bản (theo dữ liệu thống kê của International Monetary Fund IMF). Đặc điểm chung của các quốc gia này là có thu nhập cao và đều tập trung phát triển vào khối ngành dịch vụ. Và nổi bật nhất, du lịch đứng đầu bảng về doanh thu, khẳng định vai trò ngày càng rõ nét trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

  1. Về mặt Kinh tế

Trên thế giới, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia vì những lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội mà nó đem lại. Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên thế giới, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia.

Tại Việt Nam, sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch được thể hiện qua doanh thu, tốc độ tăng trưởng từng năm:

Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Tổng thu từ
khách du lịch
(nghìn tỷ đồng)
96 130 160 200 230 337,83 400 510,9 620
Tốc độ tăng trưởng (%) 41,2 35,4 23,1 25,0 15,0 * 18,4 27,5 21,4

* Theo phương pháp thống kê mới                                                              Nguồn: Tổng cục Du lịch VN

Các lợi ích kinh tế mang lại từ du lịch là điều không thể phủ nhận, thông qua việc tham quan, tiêu dùng và mua bán các sản phẩm du lịch. Sự phát triển của du lịch đã tác động tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã thu hàng tỷ USD mỗi năm thông qua phát triển du lịch. Du khách quốc tế mang ngoại tệ vào sử dụng tại bất kỳ địa điểm hay dịch vụ du lịch nào, đều làm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ của đất nước đó.

Du lịch phát triển cũng tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển, vì sản phẩm du lịch mang tính liên ngành có quan bệ đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Khi một khu vực nào đó trở thành điểm du lịch, du khách ở mọi nơi đổ về sẽ làm cho nhu cầu về hàng hoá dịch vụ tăng lên đáng kể.

Tính hiệu quả trong kinh doanh du lịch được thể hiện ở chỗ, du lịch là một mặt hàng “xuất khẩu tại chỗ”. Những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo giá bán lẻ cao hơn do người bán sẽ không tốn kém nhiều chi phí giao hàng, vận chuyển, bảo hiểm, thuế xuất nhập khẩu, có khả năng thu hồi vốn nhanh và lãi cao do nhu cầu du lịch là nhu cầu cao cấp cần khả năng thanh toán.

  1. Về mặt xã hội

Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, ngành du lịch còn giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, bởi các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch đều cần một lượng lớn lao động. Với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch thu hút sự tham gia của đông đảo lực lượng lao động ở nhiều độ tuổi, đem đến công việc trực tiếp cho hàng ngàn lao động, từ các dịch vụ lưu trú như cho thuê nhà nghỉ, khách sạn, resort, khu du lịch, bãi tắm. Đó là các lao động như quản lý khách sạn, lễ tân, phục vụ bàn, dọn phòng, phiên dịch, đầu bếp,… đến các lao động vệ sinh môi trường bãi biển, tạo dáng cây cảnh, chăm sóc khuôn viên sân vườn, bảo vệ khu du lịch, bán vé hay lực lượng ứng cứu trên biến.

Du lịch phát triển kích thích khôi phục và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương – nơi có các khu du lịch phát triển. Các bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo đó được khẳng định trong niềm tự hào đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội, làng nghề ở người dân nơi đó. Ở chiều tương tác ngược lại, các lễ hội, làng nghề truyền thống hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch, góp phần làm cho bức tranh du lịch của nước ta thêm phong phú mang đến sự đa dạng cho sự lựa chọn của du khách.